Chính sách
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết, đồ án quy hoạch chung Hà Nội triển khai theo đúng kế hoạch chứ không phải chạy theo thành tích để chào mừng 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

   
Người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm Đồ án quy hoạch chung Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Sau khi Hà Nội có văn bản chính thức góp ý về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ngày 23-8, Bộ Xây dựng đã họp báo để làm rõ quan điểm của Bộ về những nội dung liên quan đến đồ án này, đặc biệt là Trung tâm hành chính quốc gia mới và trục Thăng Long.

Hà Nội từng ủng hộ trục Thăng Long

Tiền Phong: Hà Nội góp ý về Trung tâm hành chính quốc gia nhưng khái niệm này đã không còn trong đồ án, vậy có thể hiểu mục đích góp ý của Hà Nội để làm gì?

Văn bản Hà Nội ký ngày 17-8 thì đến ngày 19- 8 chúng tôi mới nhận được. Những nội dung Hà Nội góp ý đúng, chúng tôi sẽ yêu cầu tư vấn tiếp thu và sẽ có văn bản trả lời Hà Nội sau. Còn việc Hà Nội góp ý về Trung tâm hành chính quốc gia là không còn trong đồ án.

Chúng tôi có đưa khái niệm này vào thì lên Chính phủ cũng bỏ đi. Văn bản của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp vừa qua là phát ngôn chính thức của Chính phủ. Kể từ đó, khái niệm Trung tâm hành chính quốc gia không còn trong đồ án.

Khi Chính phủ báo cáo trước Quốc hội, anh Thảo (Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo- PV) cũng có mặt. Với tư cách đại biểu Quốc hội và cũng thay mặt Hà Nội để phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, anh Thảo không nói gì đến Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, không phản đối trục Thăng Long.

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội thì đương nhiên Hà Nội phải biết. Từ đó đến nay không ai nhắc đến nữa. Có phóng viên đặt câu hỏi với tôi đó có phải là “sự nhầm lẫn hay quan liêu”. Nhưng tôi có phải là Hà Nội đâu mà trả lời được.

Tiền Phong: Việc đặt Trung tâm hành chính quốc gia mới tại khu vực tây Hồ Tây và khu Mỹ Đình- Mễ Trì như kiến nghị của Hà Nội có cần thiết không, thưa ông?

Một Trung tâm hành chính Quốc gia là phải có trụ sở Chính phủ, nhiều bộ, ngành đóng tại đó. Nhưng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội là trụ sở Chính phủ vẫn ở khu vực Ba Đình. Còn trụ sở một vài bộ, ngành ở chỗ A, chỗ B thì không thể gọi nơi đó là Trung tâm hành chính được. Và vì vậy, không nên đặt vấn đề Trung tâm hành chính Quốc gia tại tây Hồ Tây hay Mễ Trì- Mỹ Đình.

Tiền Phong: Hà Nội là cơ quan phối hợp chính cùng Bộ Xây dựng, Chủ tịch TP Hà Nội là Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về đồ án này. Vậy mối quan hệ giữa TP và Bộ ra sao, hai bên có thường xuyên trao đổi với nhau không, thưa ông?

Trong mối quan hệ giữa hai bên, Hà Nội giao cho Sở Quy hoạch- Kiến trúc làm đầu mối chuyên môn, thường xuyên trao đổi với các cục, vụ liên quan bên Bộ để cập nhật, xem xét tiến độ thực hiện đồ án. Từ trước đến nay không có vấn đề gì phức tạp nảy sinh giữa hai bên trong quá trình thực hiện.

Anh Thảo là người trực tiếp theo dõi việc này. Tôi đi họp và cũng gặp anh Thảo nhiều để trao đổi công việc cụ thể của đồ án. Chúng tôi không có vướng mắc gì về vấn đề chuyên môn. Bản thân tôi luôn chia sẻ với anh Thảo về những khó khăn của anh ấy trong công việc hàng ngày, đặc biệt là liên quan đến các dự án, để làm sao hài hòa. Vai trò chức năng của Bộ Xây dựng khác với vai trò chức năng của TP Hà Nội nên trong công việc có những lúc cũng phải có văn bản, có lúc không cần.


Triển lãm mô hình quy hoạch chung Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Gửi lên Thủ tướng làm gì?

Tiền Phong: Vậy trước khi gửi văn bản này, Hà Nội có trao đổi trước với Bộ Xây dựng không? Tại sao văn bản trao đổi giữa các thành viên với nhau lại được TP Hà Nội gửi thẳng lên Thủ tướng Chính phủ?

Trước khi Hà Nội gửi, chúng tôi không được trao đổi trước. Về mặt thủ tục hành chính của văn bản, nhiều anh em trong Bộ cũng nói với tôi là không chuẩn. TP Hà Nội và Bộ Xây dựng là hai đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao phối hợp, thì văn bản góp ý chỉ nên gửi cho Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng chưa thông qua đồ án này, chưa trình để Thủ tướng chính thức phê duyệt, thì TP Hà Nội gửi lên Thủ tướng làm gì? Câu chuyện phối hợp là như vậy.

Tiền Phong: Vậy kiến nghị của Hà Nội sẽ ảnh hưởng ra sao đến tiến độ phê duyệt đồ án, nếu bị chậm lại thì ông có lo ngại Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển trong tình trạng thiếu quy hoạch, dễ nảy sinh cơ chế thỏa thuận, xin- cho đối với từng dự án cụ thể?

Đến giờ phút này tiến độ xây dựng đồ án không có gì trục trặc cả. Hai bên có quan điểm khác nhau về trục Hồ Tây- Ba Vì thì số phận trục đường này sẽ được bàn tiếp trong Hội đồng thẩm định nhà nước, với sự tham gia của các nhà khoa học, các bộ, ngành. Đặc biệt là sự tham gia của hai đối tác quan trọng với tư cách tư vấn phản biện cho đồ án. Hai đơn vị tư vấn phản biện độc lập này cũng ủng hộ trục đường Hồ Tây- Ba Vì

Nếu tiến độ phê duyệt đồ án bị chậm sẽ ảnh hưởng chung. Phải có quy hoạch chung sau đó mới triển khai lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Các vấn đề vướng mắc sẽ báo cáo với Thủ tướng.

Cần thêm nhiều đường nữa

Thanh Niên: Về việc bảo lưu xây dựng tuyến Hồ Tây- Ba Vì, Bộ Xây dựng có bị tác động gì không?

Chúng tôi đã khảo sát nhiều lần, không có dự án trong khu vực này. Thực tế, tuyến đường này còn ảnh hưởng đến một số dự án đã có, thậm chí dự án của một tổng công ty thuộc Bộ. Không chỉ đường Hồ Tây- Ba Vì mà với sự phát triển trong tương lai của Hà Nội thì vẫn cần thêm nhiều tuyến đường nữa.

Pháp Luật Tp.HCM: Tại sao đồ án chưa được phê duyệt mà Bộ Xây dựng đã làm mô hình đồ án để chuẩn bị trưng bày, phải chăng là “cầm đèn chạy trước ô tô”?

Gói mô hình gồm 14 mô hình, trong đó có hai mô hình lớn. Gói mô hình được POSCO (Hàn Quốc) tài trợ trị giá 2,8 triệu USD. Liên doanh tư vấn- thiết kế (trong đó có POSCO) ký hợp đồng với Cục Phát triển đô thị để làm đồ án. Còn việc họ tài trợ mô hình là việc khác. Mô hình chỉ để cho người dân hình dung không gian. Sau khi quy hoạch chung được duyệt, mô hình sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Đây là mô hình nghiên cứu, có thể chỉnh sửa chứ không phải mô hình như thế nào là sau này làm như thế .

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: Quỹ đất ở Ba Vì có thể quy hoạch thành đất đầu tư xây dựng trung tâm công cộng rất tốt. Do vậy ý tưởng đề xuất của tư vấn là dành khu vực này để xây dựng các cơ quan công cộng trong đó có cơ quan hành chính. Trục Thăng Long là trục không gian kết nối giữa trung tâm Ba Đình với Ba Vì.

Hà Nội hiện có 7 trục, nhưng để tạo nên một trục không gian kiến trúc có những điểm nhấn và nổi bật của quy hoạch kiến trúc thì chưa có. Quy hoạch trục Thăng Long là điều kiện và cơ hội để tạo được quỹ đất thực hiện mục tiêu đó. Trên trục này dự kiến có cả những công trình như tượng đài Độc Lập. (Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 15- 6-2010).

Không nên xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì vì chói mắt lái xe?

Tại văn bản của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ có nêu về trục Hồ Tây- Ba Vì: “ Trục đường này là hệ quả gắn liền với quyết định vị trí Trung tâm hành chính Quốc gia, ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực kinh tế- xã hội và phát triển đô thị bền vững. Khi đã khẳng định không xây dựng Trung tâm hành chính Quốc gia tại Ba Vì thì việc xây dựng trục này không có ý nghĩa về công năng và về kinh tế- chính trị- xã hội”.

Đáng lưu ý, trong văn bản của mình, UBND TP Hà Nội còn khẳng định: Việc xác định tuyến đi thẳng theo hướng chính Đông- Tây, dự kiến 6 làn xe, mặt cắt từ 100m đến 300m, có tốc độ cao, trên quãng đường hơn 30km, xét theo yếu tố vật lý sẽ không đảm bảo an toàn giao thông do ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào mặt người điều khiển giao thông...
Đã xem 23130 lần ,cập nhật lúc 24/08/2010 2:27:07 CH
Bookmark and Share
Đăng nhập
Tin mới
Phong thủy
Hỗ Trợ Trực Tuyến
  • Đang online: 149
  • Lượt truy cập:
  • Trong ngày: 351
  • 359397
Đối Tác
Thăm dò ý kiếm
  • Đánh giá của bạn về website Handico land
  • Rất đẹp
  • Đẹp
  • Cần thay đổi
  •  Đăng ký nhận tin đĩa ốc qua Email