Phân tích thị trường
Bán nhà theo Nghị định 61/CP có hoàn thành được không? Vì sao thu hồi dự án treo chậm trễ? Giải pháp căn cơ nào cho tình trạng tái xuất nhà siêu mỏng, siêu méo?...

Rất nhiều câu hỏi khó có lời giải đã được nêu ra tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội với UBND TP chiều 6-4.

Thành phố còn “nợ” 15.000 hồ sơ nhà 61 chờ cấp GCN

Bán nhà theo Nghị định 61/CP còn vướng

Truyền tải kiến nghị của cử tri, ông Vũ Quý Trị, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP hỏi: “Quy định của Chính phủ là tới 31-12-2010 sẽ phải hoàn thành bán nhà theo Nghị định 61/CP nhưng tôi thấy thiếu kế hoạch, giải pháp cụ để chắc chắn có thể hoàn thành được?”. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP thắc mắc: “Cấp GCN cho “nhà 61” quá chậm, liệu có cấp hết được trong năm 2010? Nhà tự quản, cơ quan quản lý không còn, dân muốn cải tạo không được, xin cấp GCN cũng không nốt! Thành phố giải quyết ra sao?”.

Về vấn đề này, UBND TP cho biết, việc tiếp nhận quỹ nhà của các cơ quan, thành phố đã triển khai và đến nay đã tiếp nhận khoảng 85% quỹ nhà tự quản trên địa bàn, hiện còn lại chủ yếu tập trung quỹ nhà đất của các doanh nghiệp Nhà nước, các trường đại học. Thành phố đã chỉ đạo phương án xử lý cụ thể đối với 18.000 hộ đã tiếp nhận, song tới nay, mới cấp GCN được cho 3.000 hộ.

Còn khoảng 15.000 hộ, dự kiến sẽ cấp xong GCN trong quý III-2010. UBND TP cũng cho biết, từ nay đến 30-9-2010, Hà Nội tiếp tục rà soát, phân loại 12.000 hộ ở nhà có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước, không còn cơ quan quản lý hoặc chưa tiếp nhận, chưa kê khai... Hà Nội sẽ thông báo đến các cơ quan trước đây hoặc đang quản lý quỹ nhà này. Nếu cơ quan nào không chịu hợp tác, TP sẽ lập danh sách báo cáo Thủ tướng.

Ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng chốt lại: “Cái khó với bán nhà theo Nghị định 61 là dân nguyện. Người ta có nhu cầu mới mua, Nhà nước không bắt buộc. Thành phố luôn tạo điều kiện nhưng người dân thường chờ đợi tới giai đoạn cuối mới bắt đầu đổ xô đi qua, gây ách tắc cho bộ máy bán nhà”.

Giải pháp nhiều, thực thi chưa hết

Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Trần Trọng Hanh than phiền: “Văn bản pháp quy không thiếu nhưng nhà mỏng, nhà méo lại gia tăng. Sở, ngành thường đổ cho quận, huyện. Quận, huyện lại kêu lên trên. “Thuốc” ở đây kém chất lượng hay “con bệnh” không chịu uống “thuốc”? Ông Lê Quang Nhuệ, Phó Chủ tịch HĐND TP bình luận: “Chả đâu có nhà bề ngang chỉ 80cm như Hà Nội. Các giải pháp hiện nay khá nhiều song chưa thấy khả thi!”

Thừa nhận đây là vấn đề “nóng” từ nhiều năm nay, ông Đỗ Xuân Anh nói: “Chúng ta làm đường xuyên qua khu dân cư nên đương nhiên sẽ xuất hiện những thửa đất mỏng, méo. Đây là đặc thù của đô thị cải tạo. Từ thời Pháp thuộc, ở phố Lương Văn Can đã có nhà bề ngang chỉ 1m”.

Ông Đỗ Xuân Anh cũng cho biết, giải pháp thành phố có nhiều, thực hiện còn chưa hết. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện xử lý triệt để những trường hợp xây dựng không có phép, đối với vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng 2 bên tuyến đường giao thông, sẽ đưa hết các diện tích bất hợp lý vào diện thu hồi, đền bù giải tỏa.

Đối với các trường hợp không được phép xây dựng, khuyến khích hợp khối, chuyển nhượng, trường hợp không đạt được, thành phố sẽ tìm nguồn kinh phí để thu hồi. Giám đốc Sở Xây dựng lý giải thêm: “Giải pháp xử lý tận gốc vẫn là phải thu hồi hết những phần đất dôi dư khi GPMB”. Ông Trần Trọng Hanh vẫn chưa hài lòng: “Cái chính là thiếu cơ chế về đất. Phải có tiền mới thu hồi được nhà mỏng, nhà méo...”.

Sắp thu hồi 19 dự án treo

Liên quan tới xử lý dự án treo ở Hà Nội, ĐB HĐND Bùi Xuân Hộ nói thẳng: “Dự án treo nhiều nhưng xử lý quá chậm, được rất ít. Đây là tài nguyên lớn của thành phố mà giải quyết dường như chưa cương quyết? Dự án đã treo nhiều năm còn được gia hạn. Vậy bao giờ mới xử lý dứt khoát hay kéo dài mãi?”. Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Quang Nhuệ tiếp: “Đất bỏ hoang do doanh nghiệp “ôm” dự án, dân không sản xuất được, ngân sách cũng thất thu. Bức xúc này đã kéo dài nhiều năm, sao giải pháp mạnh chưa thấy?”.

Trước những câu hỏi “nóng”, ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội giải trình: “Thành phố chỉ đạo thu hồi dự án treo rất quyết liệt. 3 tháng qua, thành phố đã quyết định thu hồi đất của 6 tổ chức vi phạm; chấm dứt thực hiện giao đất với tổ chức. Hiện nay, sở đang thụ lý 14 hồ sơ thu hồi đất của các tổ chức vi phạm, chuẩn bị trình thành phố quyết định...”.

Cũng theo ông Vũ Văn Hậu, các dự án có nguyên nhân gây chậm chính đáng do vướng GPMB cũng chỉ được gia hạn 6 tháng. Sau giai đoạn đó, nếu không có chuyển biến, thành phố sẽ lập hồ sơ thu hồi chứ không có chuyện kéo dài mãi. Tuy thế, Giám đốc Sở TN-MT cũng thừa nhận: “Thu hồi dự án treo là cuộc đấu tranh quyết liệt và rất phức tạp. Có dự án quá chậm, Sở đang làm hồ sơ thu hồi thì quận, huyện lại có văn bản đề nghị... xem xét lại!?

Đã xem 12601 lần ,cập nhật lúc 07/04/2010 4:28:44 CH
Bookmark and Share
Đăng nhập
Tin mới
Phong thủy
Hỗ Trợ Trực Tuyến
  • Đang online: 106
  • Lượt truy cập:
  • Trong ngày: 738
  • 359472
Đối Tác
Thăm dò ý kiếm
  • Đánh giá của bạn về website Handico land
  • Rất đẹp
  • Đẹp
  • Cần thay đổi
  •  Đăng ký nhận tin đĩa ốc qua Email