BĐS thế giới
Hai năm sau cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ, Trung Quốc giờ đây cũng đang chứng kiến bong bóng bất động sản phát triển do các chương trình kích thích kinh tế khổng lồ của Nhà nước.

Nhiều nhà kinh tế đang cảnh báo rằng bong bóng này sẽ sớm vỡ tung và gây ra những hậu quả khó lường đối với nền kinh tế toàn cầu.

Một ngày mùa hè nóng bức, ngột ngạt và ẩm ướt ở Thiên Tân, một thành phố ở miền Bắc Trung Quốc, với đầy tiếng cưa, tiếng khoan, tiếng động cơ, tiếng búa rít lên tưởng như không bao giờ dứt. Ở đây, nơi ngoại thành đầy bụi đất, hàng trăm căn hộ và các ngôi nhà mới đủ kiểu đang mọc lên ngày càng nhiều.

Trong một gian trưng bày có máy lạnh, những người môi giới bất động sản mặc đồng phục màu vàng đang dẫn các khách hàng tiềm năng xem qua một vòng các sản phẩm được trưng bày ở đây. “Trong vòng một năm, chúng tôi đã bán 90% khu vực Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu”, nhân viên tư vấn khách hàng Qi Yunbu tự hào nói, “Giờ đây chúng tôi cũng đang chuẩn bị bán cả châu Phi, châu Đại dương và Nam Mỹ”.

“Tinh Diệu Ngũ Châu”, tạm dịch là “Ngôi sao sáng khắp năm châu” là tên của khu tổ hợp xây dựng theo phong cách kết hợp giữa Dubai và Disneyland trị giá 2,3 tỷ EUR (tương đương 3 tỷ USD) với thiết kế mô phỏng bản đồ thế giới. Khu tổ hợp nhà ở và giải trí khổng lồ này được xây dựng xung quanh và trong một lòng hồ nhân tạo.

Những nhà xây dựng có vẻ như muốn đảm bảo rằng dân cư trong thiên đường thuỷ cung này sẽ không thiếu bất cứ thứ gì. Các bản thiết kế có bao gồm cả khu trượt tuyết trong nhà lớn nhất thế giới, sân gôn, khách sạn bảy sao, dàn nhạc nước lớn nhất thế giới và mô hình thu nhỏ của những kiến trúc nổi tiếng thế giới như Cầu Tháp London và Cầu cổng vàng của San Francisco.

“Thế giới là của bạn”

Chứng hoang tưởng tự đại đang ở giai đoạn phát triển sôi nổi nhất trong nền kinh tế đang bùng nổ Trung Quốc. “Thế giới là của bạn” là khẩu hiệu mà các nhà xây dựng sử dụng để quảng cáo cho dự án xa xỉ này. Qi chỉ vào những khu biệt thự hiện đại độc đáo nằm trên mặt nước rồi nói và nháy mắt một cách bí ẩn rằng những tài sản này sẽ chỉ được bán vào phút cuối. Từ khi bắt đầu bán ra, giá 1m2 đất ở đây đã tăng thêm 4.000 -5.000 tệ (tương đương 450-570 EUR hay 590-740 USD). Các nhà đầu tư hy vọng lợi nhuận sẽ tăng theo từng giai đoạn xây dựng mới.

Những suy tính lạc quan này đã tạo nên một nền tảng mong manh cho các dự án tương tự đang phát triển nở rộ khắp Trung Quốc. Nghi ngờ là điều bị cấm kỵ, đặc biệt là giờ đây khi tâm trạng bắt đầu thay đổi, ít nhất là ở bên ngoài những phòng trưng bày sáng loáng. Ngày càng có nhiều lời bàn tán về việc bong bóng sẽ sớm nổ tung, một vài người thì nói rằng đã tới điểm bùng phát - với những hậu quả bất ổn cho phần còn lại của kinh tế thế giới.

Trong tháng 6, lần đầu tiên trong vòng một năm rưỡi trở lại đây, giá bất động sản tại 70 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã giảm so với tháng trước - giảm 0,4% đối với các công trình xây mới và 0,1% đối với các công trình sẵn có. Cơ quan thống kê của chính phủ cũng công bố những con số nghiêm túc về toàn bộ nền kinh tế.

Các con số thống kê cũng cho thấy trong quý hai, kinh tế chỉ tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng trong ba tháng đầu năm vẫn đạt 11,9%. Việc tăng trưởng giảm tốc có vẻ khá buồn cười nếu so sánh với điều kiện kinh tế ở các nền kinh tế công nghiệp châu Âu. Nhưng đối với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, nơi mà mô hình phát triển cần đến tốc độ tăng trưởng kỷ lục để giữ cho kinh tế không tụt dốc nhanh chóng, những số liệu gần đây cho thấy tình trạng đáng lo.

“Đây là bong bóng”

Những nước xuất khẩu phương Tây như Đức vốn dần hồi phục sau khủng hoàng toàn cầu nhờ những đơn hàng từ Trung Quốc cũng đang được nhắc nhở về những rủi ro ở khu vực Đông Á. “Bạn đang bắt đầu được chứng kiến sự sụp đổ của thị trường bất động sản và nó sẽ tác động đến hệ thống ngân hàng”, Kenneth Rogoff, giáo sư trường đại học Havard và là cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế mới đây đã cảnh báo. “Đây là bong bóng”.

Ngay cả ông Xu Shaoshi, Bộ trưởng Bộ đất đai và tài nguyên Trung Quốc, cũng lo ngại rằng thị trường bất động sản có thể sẽ trải qua “một cuộc điều chỉnh toàn bộ” trong quý ba - mặc dù, ông nói thêm, nó sẽ không giống cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ vừa trải qua những năm gần đây, nơi cuộc khủng hoảng bắt đầu khi các ngân hàng bắt đầu phát hành ngày càng nhiều cái gọi là thế chấp nợ dưới chuẩn. Những người thực tế không đủ khả năng mua nhà bị mời gọi bởi những khoản cho vay lãi suất thấp và lời hứa rằng giá trị tài sản của họ có nhiều khả năng sẽ tăng và do đó sẽ thanh toán hết các khoản nợ.

Khi giá trị bất động sản bắt đầu giảm lần đầu tiên, hàng trăm nghìn người không còn đủ khả năng thanh toán các tài sản thế chấp của mình nữa. Cuộc khủng hoảng nhà đất biến thành khủng hoảng ngân hàng, sau đó thành khủng hoảng nợ ở toàn bộ thế giới phương Tây. Hậu quả của nó đến giờ vẫn hiển hiện, từ hàng triệu người vô gia cư và thất nghiệp ở Mỹ, đến những quốc gia ở khu vực đồng tiền chung như Hy Lạp, đất nước đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ do sức ép từ các khoản nợ chính phủ khổng lồ.

Trung Quốc, vốn từ lâu được coi là miễn nhiễm với những bất ổn toàn cầu, giờ đang phải đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhà đất do chính họ tạo nên. Điều này sẽ làm phát sinh rắc rối cho nhiều chính quyền địa phương, trong một số trường hợp họ cấp vốn cho gần một phần ba các dự án cơ sở hạ tầng chủ chốt như sân bay, nhà ga bằng cách bán đất nông nghiệp cho những tay lừa đảo kinh doanh bất động sản.

Những giới hạn của tăng trưởng

Chỉ riêng trong năm 2009, các thành phố tự trị của Trung Quốc đã bán 319.000 ha đất (tương đương 788.000 mẫu), tăng 44% so với năm trước đó. Các chính quyền địa phương đã vay rất nhiều từ các ngân hàng do kỳ vọng rằng giá đất sẽ tiếp tục tăng.

Nhưng giờ đây nợ của Trung Quốc đã tăng nhanh đến gần mức giới hạn của tăng trưởng, gây nguy hiểm cho trụ cột tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc. Trong khi thực hiện các chương trình kích thích kinh tế, chính phủ đã bơm 4.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 450 tỷ EUR hay 590 tỷ USD) vào gói giải cứu lớn nhất từng có của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Thoạt đầu, nó làm bùng nổ làn sóng xây dựng, đôi khi mang lại những kết quả mạnh mẽ, bao gồm cả việc sử dụng thường xuyên những biện pháp thô bạo để tước đoạt tài sản của công dân. Từ mùa hè năm ngoái, các ngân hàng Trung Quốc đã nhận thấy lượng tồn kho từ các khoản vay bất động sản tăng hơn 40%. Điều này dẫn đến tình trạng lập kế hoạch tồi tệ, các khoản thanh toán mờ ám và, trong nhiều trường hợp, bùng nổ giá có ảnh hưởng trực tiếp đến số đông dân chúng.

Việc tiết kiệm tiền hiếm khi được coi là quan trọng ở Trung Quốc. Sau một vài giai đoạn xáo động trên thị trường, trong đó có một số giai đoạn đầy kịch tính, người dân giờ đây đang tránh đầu tư vào chứng khoán. Trong hoàn cảnh như vậy, người Trung Quốc coi việc mua căn hộ chung cư hoặc một ngôi nhà là cách đầu tư nhạy cảm và có lãi nhất.

Ở một vài thành phố, số các đơn vị cư trú mới đã vượt quá số hộ gia đình. Ở những thành phố chính như Bắc Kinh và Thượng Hải, người Trung Quốc đã trả những khoản tiền giá trị gấp 20 lần mức lương hàng năm của họ để mua một căn hộ chung cư. Trong khi nếu so với những thành phố đắt đỏ trên thế giới như Tokyo, mức chênh lệch này cũng mới chỉ là 8 lần mà thôi.

Đã xem 16975 lần ,cập nhật lúc 05/08/2010 3:35:04 CH
Bookmark and Share
Đăng nhập
Tin mới
Phong thủy
Hỗ Trợ Trực Tuyến
  • Đang online: 133
  • Lượt truy cập:
  • Trong ngày: 480
  • 359368
Đối Tác
Thăm dò ý kiếm
  • Đánh giá của bạn về website Handico land
  • Rất đẹp
  • Đẹp
  • Cần thay đổi
  •  Đăng ký nhận tin đĩa ốc qua Email