Phân tích thị trường
UBND TP Hà Nội đã quyết tâm như vậy sau khi rà soát và phát hiện trên địa bàn có tới 306 dự án chậm triển khai, thậm chí nhận đất rồi bỏ hoang hóa.

Trong số 306 dự án chậm tiến độ, có đến 286 dự án thuộc diện chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); một số thì đã đưa đất vào sử dụng nhưng tiến độ triển khai chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt, có 25 dự án chủ đầu tư không liên hệ với chính quyền địa phương cũng không thực hiện GPMB.


Thiếu tiền: Dự án để cỏ mọc


Trong số dự án chậm tiến độ, có 26 dự án đã được chủ đầu tư tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, để đất bị lấn chiếm, tranh chấp hoặc chuyển nhượng trái pháp luật. Trong đó, quận Ba Đình có nhiều nhất với 9 dự án, tiếp đến là huyện Chương Mỹ, quận Cầu Giấy, Long Biên, Thanh Xuân... với tổng diện tích 17.600 m2 đất.

Như dự án tại quận Hai Bà Trưng của HTX Tổng hợp Thương mại Đồng Thanh đã tự ý chuyển mục đích sử dụng, giao cho một số xã viên xây dựng nhà ở. Thanh tra TP đã kết luận và UBND TP đã chấp thuận thu hồi. Hiện UBND quận Hai Bà Trưng đang lập hồ sơ thu hồi theo quy định.


Cũng trong nhóm dự án bị thu hồi, dự án của Công ty Cổ phần Thực phẩm Vạn Điểm (huyện Phú Xuyên) hay dự án sản xuất gỗ Okal (do Công ty TNHH Hùng Hợp làm chủ đầu tư tại huyện Chương Mỹ) ... lại đang bị bỏ hoang hóa. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội Vũ Văn Hậu cho rằng nguyên nhân của tình trạng dự án để hoang cho cỏ mọc là vì sau khi được giao đất, chủ đầu tư do thiếu vốn nên chưa thực hiện thủ tục khởi công.



Đối với dự án đủ vốn, đủ điều kiện thì chủ đầu tư lại xin điều chỉnh quy hoạch để nâng cao hiệu quả đầu tư, kết cục là dự án vẫn “án binh bất động”. Theo ông Hậu, do thị trường bất động sản đang trong giai đoạn “đóng băng” nên nhiều nhà đầu tư làm cầm chừng. Một số nhà đầu tư khác thì do thiếu năng lực tài chính phải loay hoay tìm kiếm đối tác để tiếp tục thực hiện dự án.


Tuy nhiên, cũng theo ông Hậu thì điều đáng nói là có những chủ đầu tư chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật về đất đai, thậm chí xem nhẹ các quy định hành chính của các cấp có  thẩm quyền nên chưa tập trung nguồn lực triển khai dự án. Ngoài ra, tình trạng dự án “nằm trên giấy” còn do vướng về quy hoạch vì phải tạm dừng để rà soát quy hoạch sau khi TP Hà Nội mở rộng hoặc do dự án trùng một phần diện tích đã giao cho dự án liền kề...


Sẽ thu hồi dự án “mờ mịt”


Lập kế hoạch sử dụng đất  đến năm 2020

Ngày 29-12, Bộ TN-MT cho biết trong năm 2009, bộ đã tiếp nhận 6.533 lượt đơn khiếu nại về đất đai. Năm 2010, bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm kéo dài như ở một số dự án sân golf, lãng phí đất đai, sử dụng đất sai mục đích... Trên cơ sở kết quả tổng kiểm kê và bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010, bộ sẽ lập kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015), thực hiện đề án phát triển thị trường bất động sản.

Trước số lượng lớn dự án “treo” gây lãng phí đất đai khiến người dân lo ngại về tính khả thi, Sở TN-MT Hà Nội đã đề nghị TP cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp.


Chẳng hạn với các dự án vướng quy hoạch hoặc chậm triển khai do khiếu kiện về chính sách bồi thường, TP cần xem xét cho điều chỉnh quy hoạch và chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành vào cuộc gỡ vướng về cơ chế. Đối với các dự án chậm do khách quan và được phép tiếp tục triển khai, đề nghị gia hạn tiến độ từ 6 tháng tới 1 năm. Sau thời gian gia hạn, nếu dự án vẫn “án binh bất động” sẽ phải thu hồi.


Đặc biệt, các dự án có vi phạm nghiêm trọng hoặc xác định nguyên nhân chậm do trách nhiệm của chủ đầu tư (như dự án chung cư thương mại của Công ty Cổ phần Cơ khí và xây lắp số 7; dự án văn phòng, biệt thự nhà vườn ở huyện Ba Vì của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tiến Phong; dự án nhà máy chế biến, đóng gói thực phẩm ở huyện Thường Tín của Công ty Cổ phần Thực phẩm Hoàng Kim...) sẽ phải thu hồi ngay diện tích đất đã giao.


Kiên quyết xử lý các dự án mà sai phạm đã rõ ràng-Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định như thế và còn cho biết đã giao các cơ quan chức năng tiến hành ngay các thủ tục, quyết định thu hồi đất. Riêng với 25 dự án không có thông tin về chủ đầu tư, TP sẽ thông báo rộng rãi về thời hạn cuối cùng, sau đó thu hồi theo quy định của pháp luật.

Đối với các dự án chậm do khách quan có thể cho gia hạn 6 tháng, nếu sau đó vẫn không triển khai thì TP sẽ khẩn trương thu hồi. Đối với các dự án này, ông Thảo yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân. “Những dự án trong quy hoạch có bố trí tái định cư mà chủ đầu tư không thực hiện thì phải xử lý quyết liệt, không nhân nhượng, ngoại lệ bất cứ trường hợp nào” – ông Thảo nhấn mạnh.

 

Đã xem 9144 lần ,cập nhật lúc 30/12/2009 11:17:17 SA
Bookmark and Share
Đăng nhập
Tin mới
Phong thủy
Hỗ Trợ Trực Tuyến
  • Đang online: 34
  • Lượt truy cập:
  • Trong ngày: 666
  • 359471
Đối Tác
Thăm dò ý kiếm
  • Đánh giá của bạn về website Handico land
  • Rất đẹp
  • Đẹp
  • Cần thay đổi
  •  Đăng ký nhận tin đĩa ốc qua Email