Tin tức
Mặc dù nhiều lần đề nghị di dời, chấm dứt tình trạng tạm bợ nhưng bến xe Lương Yên vẫn hoạt động suốt 12 năm qua gây nhiều áp lực cho giao thông đô thị.

Gần 10 năm “sống tạm”

Bến xe Lương Yên được đi vào hoạt động từ năm 2004, thuộc Công ty TNHH một thành viên lương thực Lương Yên – được đưa vào khai thác hoạt động theo mô hình xã hội hóa, với diện tích 10.200 m2. Nhưng sẽ chỉ là một bến xe hoạt động tạm thời để giải quyết các vấn đề trước mắt.

Khoảng tháng 9/2011, một nửa diện tích bến xe bị thu hẹp, cùng với việc số lượt phương tiện mỗi ngày giảm đi một nửa trong giai đoạn Tổng Công lương thực miền bắc ty triển khai xây dựng khu tổ hợp công trình cao tầng ở khu vực phía Nam bến xe.

Sở GTVT cho phép bến xe tiếp tục hoạt động tạm thời cho đến năm 2013.

Năm 2013, sau gần 10 năm “sống tạm”, bến xe Lương Yên nhận được kiến nghị dừng hoạt động. Tuy nhiên, do đề xuất của Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng như của các doanh nghiệp đang khai thác, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định gia hạn thời gian hoạt động của bến xe này cho đến tháng 7 năm 2016 (sẽ phải chấm dứt mọi hoạt động vào ngày 26/7/2016).

Thực tế cho thấy, hiện bến xe Lương Yên đang hoạt động trên một diện tích chật hẹp khoảng 5.500m2, với 319 loại phương tiện của 52 đơn vị vận tải. Bến xe này có 38 tuyến vận tải đi 20 tỉnh (thành phố). Diện tích còn lại hoặc được trưng dụng trông giữ phương tiện, hoặc cho thuê, hay… để cỏ mọc.

Dù là 1 trong 6 bến xe lớn nhất Hà Nội, là bến xe ở cửa ngõ Đông Bắc thành phố, được xếp hạng là bến xe cấp 2 nhưng Lương Yên có diện tích thấp nhất, điều kiện hạ tầng thấp nhất trong nhóm (nhỏ hơn nhiều so với các bến xe Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm).

Tần suất khai thác của bến xe Lương Yên hiện tại là 335 lượt xe/ngày, áp lực lớn hơn nhiều so với mức 224 lượt xe/ngày của bến xe Nước Ngầm (diện tích gần 18.000m2) hay bến xe Yên Nghĩa (600 lượt xe/ngày, diện tích 69.800m2).

Hơn nữa, thực trạng đáng nói ở đây, là sự hoạt động của bến xe này đang gây ra những áp lực giao thông lớn cho khu vực, cụ thể là đường đê Nguyễn Khoái- một con đường chật hẹp thường xuyên ùn tắc.

Sau 10 năm dền dứ, Bến xe khách Lương Yên đã có phương án di dời cụ thể..

Bà Lê Bích Hằng- Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng cho biết: “Toàn phường có khoảng 24.000 dân, trong đó hơn một nửa sống ngoài đê. Thông thường mỗi ngày chỉ có giờ cao điểm sáng – chiều, nhưng chúng tôi lại có đến hàng loạt giờ cao điểm khác là khi xe khách, xe buýt đến và rời bến. Ngoài áp lực giao thông, công tác đảm bảo, giữ gìn ANTT khu vực quanh bến xe Lương Yên hết sức vất vả đối với phường, quận”.

Cũng theo bà Hằng, việc di chuyển của các xe khách qua tuyến đường này thường xuyên gây ùn tắc nhất là trong giờ cao điểm. Bởi mỗi khi xe khách vào bến lại phải quay đầu, choán gần hết phần đường, gây ùn tắc cục bộ. Hàng trăm lượt xe tham gia vận chuyển hành khách, cộng với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường đã ảnh hưởng lớn tới công tác đảm bảo ATGT trên tuyến đường Nguyễn Khoái.

Cùng quan điểm trên, Thượng tá Lê Văn Hoan, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt, CATP Hà Nội cho biết, bởi áp lực quá lớn gây ùn tắc liên tục nên đội CSGT số 4 đã phải tăng cường thêm CBCS với 3 ca mỗi ngày. Ngoài ra, hỗ trợ cho các ca công tác còn có chốt CSGT ở khu vực cầu Vĩnh Tuy, đầu phố Trần Hưng Đạo… nhằm phân luồng từ xa khi có yêu cầu.

Mặt khác, cơ sở vật chất tại bến xe này cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, khu vực dành cho khách chờ ghế ngồi cũ kỹ với số lượng rất ít. Vào các dịp lễ tết khách hàng thường phải đứng chờ rất lâu trong lúc mua vé hay đợi giờ xe chạy…

Cần di dời nhanh chóng, dứt điểm

Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT Hà Nội vừa có báo cáo UBND TP Hà Nội về thời hạn đóng cửa bến xe Lương Yên và dự kiến xây dựng 2 phương án di dời. Cụ thể:

Phương án 1: Điều chuyển các tuyến xe, phương tiện đang hoạt động tại bến xa Lương Yên về các bến xe còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố.

Với phương án này, Sở GTVT sẽ làm việc với các đơn vị khai thác bến xe để sắp xếp lại luồng tuyến tại các bến xe phục vụ cho việc tiếp nhận các tuyến xe mới từ bến xe Lương Yên chuyển sang, sắp xếp các tuyến xe khách liên tỉnh, xe buýt.

Phương án này được đánh giá là giúp đẩy nhanh tiến độ, có thể sớm ngừng hoạt động của bến xe Lương Yên. Giúp chấm dứt tình trạng quá tải, tắc nghẽn liên tục kéo dài trên đường đê Nguyễn Khoái.

Phương án 2: Điều chuyển toàn bộ luồng tuyến và lượng phương tiện từ bến xe Lương Yên về bến xe khách Cổ Bi (Gia Lâm) sau khi bến xe này đủ điều kiện tiếp nhận.

Nếu thực hiện phương án này, Sở GTVT Hà Nội sẽ thông báo cho Sở GT các tỉnh, đồng thời thông báo cho Bộ GT điều chỉnh quy hoạch chi tiết và đề nghị các đơn vị vận tải xây dựng phương án lưu hành.

Với phương án này, ưu điểm nổi bật là thực hiện các thủ tục pháp lý đơn giản hơn so với phương án 1 và đỡ gây xáo trộn hơn cho đơn vị vận tải. Nhưng bất cập ở chỗ, việc thực hiện còn phụ thuộc vào tiến độ xây dựng bến xe khách Cổ Bi.

Phương án di dời hiện chưa được quyết định chính thức, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, phương án 2 sẽ được ưu tiên lựa chọn và tiến hành.

Thiết nghĩ, dù phương án nào được lựa chọn cũng cần nhanh chóng thực hiện và dứt điểm, tránh dền dứ như 10 năm qua, tránh gây áp lực cho các tuyến đường khu vực cửa ngõ phía Đông bắc Thủ đô.

Hà Hằng

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Đã xem 9292 lần ,cập nhật lúc 30/05/2016 9:27:00 SA
Bookmark and Share
Đăng nhập
Tin mới
Phong thủy
Hỗ Trợ Trực Tuyến
  • Đang online: 205
  • Lượt truy cập:
  • Trong ngày: 1277
  • 359460
Đối Tác
Thăm dò ý kiếm
  • Đánh giá của bạn về website Handico land
  • Rất đẹp
  • Đẹp
  • Cần thay đổi
  •  Đăng ký nhận tin đĩa ốc qua Email