Tin tức
Thị trường BĐS Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã có bước phát triển tích cực, góp phần đáng kể đối với sự tăng trưởng chung của nền kinh tế..." Thứ trưởng BXD-Nguyễn Trần Nam nhận định.

Nhiều dự án phát triển nhà ở, KCN, văn phòng, khách sạn… đã được triển khai đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của nhân dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn trong cả nước.

Trong 10 năm vừa qua, quỹ nhà ở toàn quốc tăng thêm trên 700 triệu m2, trong đó nhà ở khu vực đô thị tăng thêm khoảng 225 triệu m2. Bình quân mỗi năm diện tích nhà ở tăng thêm khoảng trên 70 triệu m2/năm. Khu vực đô thị tăng thêm khoảng 22,5 triệu m2/năm, trong đó quỹ nhà ở do các DN kinh doanh BĐS tham gia đầu tư xây dựng theo dự án chiếm khoảng 25 - 30%. Tỷ lệ tăng trưởng nhà ở đô thị bình quân hàng năm đạt trên 15%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc năm 2009 là 16,7m2/người; khu vực đô thị là 19,2m2/người; khu vực nông thôn là 15,7m2/người.

Trên địa bàn cả nước hiện có trên 2.500 dự án nhà ở, KĐTM và dự án kinh doanh BĐS khác, với diện tích đất khoảng 80 nghìn ha đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng, trong đó có khoảng 650 dự án KĐTM có diện tích đất trên 20ha. Đến thời điểm cuối năm 2009, trên phạm vi cả nước đã có 249 KCN đã được thành lập, với diện tích đất tự nhiên khoảng 63.173ha, trong đó có khoảng 162 KCN đã đi vào hoạt động hoặc đã triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng. Các KCN được hình thành trên địa bàn của 61/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã tạo việc làm cho hàng vạn người lao động, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các địa phương theo hướng công nghiệp hoá.

Tính đến tháng 6/2008, cả nước có khoảng 9.350 cơ sở lưu trú (trên 184 nghìn phòng cho thuê), trong đó có 276 khách sạn cao cấp (25 khách sạn 5 sao, 85 khách sạn 4 sao, 166 khách sạn 3 sao). Đến hết năm 2009, có khoảng 10.800 cơ sở lưu trú với khoảng 210 nghìn phòng, trong đó số khách sạn 3 - 5 sao tăng thêm 22 khách sạn so với năm 2008. Theo dự báo, mỗi năm cần đầu tư thêm khoảng 22 nghìn phòng (tương đương 540 nghìn m2). Đến thời điểm đầu năm 2010, Việt Nam đã có 98 resort đăng ký hoạt động, với 8.150 phòng, trong đó có 60 resort đã được xếp hạng (6 resort đạt 5 sao, 27 resort đạt 4 sao, 20 resort đạt 3 sao, 3 resort 2 sao và 4 resort 1 sao).

Tính đến tháng 7/2010, tổng dư nợ cho vay BĐS đạt khoảng 210.770 tỷ đồng (tương đương khoảng trên 10 tỷ USD), tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Lĩnh vực kinh doanh BĐS tiếp tục thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả thống kê cho thấy, tính đến thời điểm cuối 2009, cả nước đã có gần 500 dự án BĐS có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký trên 40 tỷ USD (riêng năm 2009, vốn đầu tư FDI trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đạt trên 2,5 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng số vốn đầu tư ngước ngoài đăng ký mới trên cả nước trong cùng thời kỳ).

Hoạt động giao dịch mua, bán, chuyển nhượng nhà đất tại các dự án nhà ở, dự án KĐTM có hệ thống hạ tầng đồng bộ, có chất lượng nhà ở và môi trường tại một số TP lớn như Hà Nội, Tp.HCM… vẫn thu hút được khách hàng và lượng giao dịch thực tế vẫn đạt tỷ lệ tương đối cao. Nhu cầu thuê văn phòng, trụ sở làm việc ngày càng tăng. Cùng với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, hoạt động giao dịch BĐS trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt là đối với các loại BĐS là công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở.

Hoạt động kinh doanh BĐS không chỉ là lĩnh vực độc quyền của các DNNN mà đã được khuyến khích, mở rộng đối với nhiều thành phần kinh tế khác nhau (DN tư nhân, công ty TNHH, công ty CP, hợp tác xã, DN liên doanh, DN 100% vốn đầu tư nước ngoài…). Số lượng dự án đầu tư kinh doanh BĐS do các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư ngày càng tăng. Với sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, hàng loạt dự án đầu tư có chất lượng cao đã được đưa vào sử dụng, góp phần đáng kể thúc đẩy sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tuy nhiên, lĩnh vực phát triển nhà ở và thị trường BĐS Việt Nam vẫn tồn tại nhiều vấn đề khiếm khuyết, bất cập cần khắc phục. Một là, nhận thức về bản chất, vai trò và vị trí của thị trường BĐS trong nền kinh tế vẫn còn hạn chế, hệ thống quản lý BĐS từ Trung ương đến địa phương chưa đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ. Một số vấn đề quản lý đất đô thị, quy hoạch xây dựng đô thị, đầu tư xây dựng công trình còn thiếu sự gắn kết, chưa đảm bảo thống nhất, dẫn tới tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong công tác phát triển và quản lý thị trường BĐS.

Hai là, khung pháp lý của thị trường BĐS mặc dù từng bước được hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh và ổn định, khắc phục tình trạng tham gia thực hiện giao dịch mua, bán, chuyển nhượng trái quy định của pháp luật, làm thất thoát nguồn thu cho ngân sách.

Ba là, tính minh bạch của thị trường BĐS trong tất cả các khâu hoạt động của thị trường, từ hoạt động đầu tư, tạo lập BĐS đến hoạt động giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê BĐS còn có nhiều hạn chế. Tình trạng đầu cơ, mua bán “ngầm”, trốn lậu thuế còn khá phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn dẫn tới sự hoạt động của thị trường BĐS thiếu bền vững và ổn định. Tính cạnh tranh của thị trường BĐS còn thấp, nhất là đối với thị trường sơ cấp (giao đất, cho thuê đất). Cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án để lựa chọn chủ đầu tư mặc dù đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên việc áp dụng trong thực tiễn còn nhiều hạn chế, thậm chí có những vấn đề chưa được triển khai. Tính bình đẳng giữa các đối tượng tham gia thị trường chưa được thực sự đảm bảo.

Bốn là, giá cả BĐS, đặc biệt là giá nhà ở quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng như mức phát triển của nền kinh tế nhất là nhà ở của đại bộ phận các đối tượng có thu nhập thấp, người nghèo tại khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn.

Năm là, cơ chế, chính sách về bồi thường, GPMB, tái định cư vẫn còn nhiều bất cập cần phải tiếp tục được hoàn thiện để hướng tới mục tiêu đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nuớc, nhà đầu tư và người có tài sản bị thu hồi. Công tác lập và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu để tránh chồng chéo, giảm bớt thủ tục, gây lãng phí cả về thời gian và chi phí của Nhà nước và của các nhà đầu tư.

Sáu là, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị hiện có với các KĐTM, khu dân cư, khu nhà ở còn nhiều bất cập, làm giảm sức hút và quy mô của thị trường BĐS.

Bảy là, việc phát triển thị trường BĐS Việt Nam còn mang tính tự phát, thiếu chiến lược, kế hoạch cụ thể. Thời gian vừa qua thị trường BĐS phát triển chưa đảm bảo sự cân đối, các nhà đầu tư mới chỉ tập trung quan tâm đối với các dự án nhà ở, dự án KĐTM để bán cho những người có thu nhập cao. Trong khi đó các dự án nhà ở để bán trả dần hoặc cho thuê dành cho các đối tượng có mức thu nhập thấp chưa được quan tâm đúng mức.

Tám là, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đối với hoạt động của thị trường BĐS, nhất là hoạt động giao dịch còn bị buông lỏng. Nhiều chính sách đã có hiệu lực nhưng việc hướng dẫn và triển khai còn chậm. Việc phân cấp quản lý và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cho chính quyền cấp quận, huyện là hợp lý, tuy nhiên điều kiện về trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức để thực thi nhiệm vụ được giao còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần sớm có cơ chế khắc phục.

Trước những khó khăn và bất cập nêu trên, hy vọng thông qua cuộc hội thảo, những bài học kinh nghiệm sẽ là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành có liên quan tham khảo, nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhà ở và thị trường BĐS của Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển lành mạnh và ổn định, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Đã xem 7677 lần ,cập nhật lúc 26/11/2010 10:05:07 SA
Bookmark and Share
Đăng nhập
Tin mới
Phong thủy
Hỗ Trợ Trực Tuyến
  • Đang online: 145
  • Lượt truy cập:
  • Trong ngày: 202
  • 359396
Đối Tác
Thăm dò ý kiếm
  • Đánh giá của bạn về website Handico land
  • Rất đẹp
  • Đẹp
  • Cần thay đổi
  •  Đăng ký nhận tin đĩa ốc qua Email