Phân tích thị trường
Trong đơn thư gửi báo giới, gần 100 hộ dân ở 3 tổ 24, 25, 26 cụm dân cư số 3, phường Liễu Giai nêu ra những bức xúc về quy hoạch “treo” khiến hàng chục năm qua các hộ dân nơi đây không được cấp sổ đỏ. Hơn thế, chỉ vì những dự án “treo” mà cuộc sống ngày càng khó khăn vì nhà cửa xuống cấp, dột nát bởi không được cải tạo, sửa chữa…

Đi cũng dở, ở không xong

Theo đơn phản ánh: Năm 1978 UBND TP Hà Nội có quy hoạch khu vực trên để xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, dự án này chuyển đến khu vực khác. Bà con cũng chỉ biết đến thế. Đến năm 2000, UBND TP có Quyết định số 68/QĐ-UB quy hoạch chi tiết quận Ba Đình lại lấy khu vực này để làm công trình công cộng.

Năm 2004, UBND quận Ba Đình có công văn  đề nghị UBND TP xây dựng Nhà văn hóa quận tại cụm 3, phường Liễu Giai. Ngay khi có công văn của quận Ba Đình, UBND TP đã có công văn trả lời, khẳng định: Với kinh phí dự kiến đầu tư theo đề nghị của UBND quận Ba Đình là 74,7 tỷ đồng, trong đó kinh phí đền bù GPMB 45 tỷ đồng là quá lớn so với các dự án xây dựng nhà văn hóa cấp quận, huyện… Mặt khác, việc GPMB phải đền bù tới 80 hộ dân và di chuyển 60 hộ tại thời điểm dự kiến xây dựng cũng là khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Do đó, UBND TP giao UBND quận Ba Đình tìm quỹ đất khác.

Tuy nhiên, khi dự án xây dựng nhà văn hóa không được chấp thuận, UBND phường Liễu Giai và UBND quận Ba Đình lại tiếp tục đề xuất với thành phố để được xây dựng trường TH và THCS trên khu đất này. Và từ năm 2006 đến nay, với lý do đang xin thành phố cho phép xây dựng trường học nên UBND quận Ba Đình đã từ chối cấp sổ đỏ cho các hộ dân…


Dự án “treo”là một nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong việc quản lý xây dựng

Việc làm này khiến người dân nơi đây lâm vào một tình trạng khốn khổ - đi cũng dở, ở không xong. Ở, thì đất, nhà nằm trong diện phải giải tỏa theo quy hoạch, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được xây dựng, sửa chữa lớn, không được tách hộ, nhập hộ… Đi, thì chưa được đền bù và cũng chẳng biết đi đâu… chờ đợi, thì hàng chục năm “ông quy hoạch” vẫn án binh bất động, họ không biết chờ đợi đến bao giờ.

Đến nỗi khổ của người dân

Chính vì những dự án “treo” mà gần 100 hộ dân ở phường Liễu Giai đang phải sống trong điều kiện rất khó khăn. Nhiều nhà với 3, 4 thế hệ cùng ở chung trong những căn nhà cấp 4 dột nát, có thể sập bất cứ lúc nào, đặc biệt khi mùa mưa bão đến.

Quá bức xúc trước điều kiện ăn ở quá chật hẹp, nhiều hộ dân đã quyết định xây nhà không phép. Và đương nhiên, căn nhà ấy bị cưỡng chế. Một chủ hộ từng bị cưỡng chế bộc bạch: “Tôi đâu phải hạng người không biết gì, nếu có giải tỏa tôi là người đầu tiên xung phong đi ngay. Nhưng tôi đã chờ hơn 10 năm nay vẫn không thấy ai đến di dời giải tỏa, vì quá bức xúc chuyện nhà ở tôi mới làm như vậy”.

Để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài, các hộ dân đã liên tục làm đơn kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để xin được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những kiến nghị của họ vẫn chưa được giải quyết.

Qua tìm hiểu, ngày 12/5/2006, Phòng Tài nguyên Môi trường quận Ba Đình có công văn số 90/TNMT trả lời các hộ dân với nội dung: …do việc không xác nhận thời gian sử dụng đất của Hội đồng phường hoặc xác nhận nhưng không ghi rõ thời gian ăn ở ổn định theo từng mốc giới thời gian nên không đủ cơ sở để cấp. Mặt khác, UBND quận Ba Đình đang xin chủ trương thành phố cho phép lập dự án xây dựng công trình trường học, công trình công cộng khác…

Các hộ dân tiếp tục gửi đơn lên UBND quận Ba Đình. Ngày 9/3/2009, UBND quận Ba Đình có công văn 129/UBND-VP gửi UBND phường Liễu Giai, trong đó có nêu, UBND quận đang xin thành phố phê duyệt cho phép lập dự án xây dựng trường học nên yêu cầu phường rà soát các hộ dân để tính tiền đền bù.


Cảnh sống khốn khổ trong khu quy hoạch "treo"

Công văn khẳng định: “Số liệu báo cáo kiểm kê đất chưa sử dụng ngày 29/9/2000 của UBND phường Ngọc Hà (trước đây, diện tích đất của Liễu Giai thuộc phường Ngọc Hà – PV) thì diện tích đất 7.450m2, bao gồm cả đất 64 hộ dân, hiện trạng là đất trồng rau và bỏ hoang”. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều hộ dân sinh sống tại đây có biên lai xác nhận thu thuế nhà đất của Chi cục thuế quận Ba Đình từ trước năm 2000. Nhiều hộ dân xây dựng nhà từ trước năm 1993 và có hộ khẩu năm 1995. Do đó, việc UBND phường Ngọc Hà báo cáo với UBND quận Ba Đình cho rằng hiện trạng đất trên là trồng rau và bỏ hoang là không chính xác.

Trước những kiến nghị của người dân, ngày 31/3/2010, UBND TP Hà Nội có công văn số 2103/UBND-TNMT có ý kiến, giao UBND quận Ba Đình tiếp tục xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường hợp hộ gia đình đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật… Gần đây nhất, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn số 629/VPCTN-PL gửi UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề nghị xem xét, giải quyết việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho gần 100 hộ dân đã được đề nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết… đồng thời sớm thông báo kết quả cho Văn phòng Chủ tịch nước biết.

Với những dự án “chậm được thực hiện” nói nôm na là dự án “treo”, ai cũng thấy đây là một nguyên nhân gây ra sự bất ổn trong việc quản lý xây dựng, liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế xã hội. Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cũng đã đối mặt với vấn nạn này. Và cũng đã có nhiều giải pháp hợp lý được đưa ra hoàn toàn có tính khả thi. Rõ ràng, việc giải quyết vấn nạn QH treo không phải là không có lối ra, mà vấn đề là có cương quyết tìm ra chỗ ách tắc và biện pháp giải tỏa các vướng mắc hay không?

Rồi đây, số phận của hàng chục hộ dân sẽ ra sao, chắc chắn chỉ có những vị lãnh đạo TP mới trả lời được.

Đã xem 56195 lần ,cập nhật lúc 13/08/2010 11:05:42 SA
Bookmark and Share
Đăng nhập
Tin mới
Phong thủy
Hỗ Trợ Trực Tuyến
  • Đang online: 133
  • Lượt truy cập:
  • Trong ngày: 604
  • 359389
Đối Tác
Thăm dò ý kiếm
  • Đánh giá của bạn về website Handico land
  • Rất đẹp
  • Đẹp
  • Cần thay đổi
  •  Đăng ký nhận tin đĩa ốc qua Email